Để nấu bánh chưng ngon và có màu xanh tự nhiên bạn không thể bỏ qua những lưu ý này

Bánh chưng là món ăn cổ truyền của dân tộc Việt Nam và không thể thiếu trong mỗi dịp “Tết đến, xuân về”. Tuy nhiên, để nấu bánh chưng thơm ngon, có màu xanh tự nhiên, giữ được lâu thì không phải ai cũng biết. Sau đây là những bí quyết giúp bạn nấu được nồi bánh chưng hoàn hảo.

Chọn lá dong

Lá dong là yếu tố đầu tiên quyết định đến việc luộc bánh chưng có xanh và ngon hay không, vì vậy bạn cần chú ý lựa chọn kỹ lá dong. Bạn nên chọn loại lá dong không quá non, cũng không quá già, không quá to, cũng không quá nhỏ. Lá nhìn phải bóng và có màu xanh đậm. Tốt nhất bạn nên mua lá dong nếp, không nên dùng lá dong tẻ vì gói bằng lá này bánh sẽ không thơm. Tuyệt đối không mua các loại lá dong to như lá chuối.

Khi chọn được loại lá dong phù hợp, bạn đem rửa sạch, để vào rổ lỗ to rồi đem phơi ra nơi thoáng gió cho nhanh ráo nước. Đến khi chuẩn bị gói, nếu mặt lá dong còn ướt thì bạn cần lau khô thêm một lượt nữa.

Chọn lá dong không quá non cũng không quá già
Chọn lá dong không quá non cũng không quá già

Chọn gạo nếp

Tiếp theo là cách chọn gạo nếp, thông thường loại gạo gói bánh chưng ngon nhất chỉ có nếp cái hoa vàng hoặc nếp mùa. Tuy vậy, bạn có thể dùng chính những hạt nếp ngon từ vùng quê mình làm ra, chỉ cần là gạo mới, hạt bóng mẩy đều nhau, không bị pha tạp và không có dấu hiệu của mối mọt sâu bệnh.

Sau khi chọn được nếp ngon, bạn ngâm gạo trong khoảng 10-12 tiếng bằng nước lạnh, tốt nhất bạn nên ngâm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau để có thể gói bánh luôn. Tiếp theo, bạn vo qua gạo, để ráo nước, lấy một lượng muối trắng vừa đủ cho vào rổ gạo nếp rồi xóc đều lên, việc này giúp cho bánh thêm vị đậm đà.

Để bánh chưng được xanh và thơm hơn, bạn có thể nhuộm gạo nếp bằng cách lấy lá giềng hoặc lá nếp giã nhỏ rồi vắt lấy nước ngâm gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước cốt của 2 loại lá này sẽ trở nên thơm và xanh cực đẹp khi luộc bánh chưng đấy.

Chọn gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp mùa
Chọn gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp mùa

Chọn đỗ xanh

Đậu xanh là phần nhân bánh chưng nằm ở tầng giữa của bánh. Bạn có thể mua đỗ đã tách vỏ hoặc chưa tách vỏ. Nếu mua đỗ tách vỏ, bạn chỉ cần ngâm đỗ, còn nếu mua đỗ nguyên vỏ, bạn cần ngâm sau đó đãi vỏ đi. Không nên dùng đỗ xanh có vỏ để gói bánh vì sẽ dễ làm bánh thiu. Bên cạnh đó, đỗ phải được nấu chín, đánh nhuyễn trước khi cho vào gói. Lý do đơn giản vì nếu gói đỗ sống, tỉ lệ đỗ lẫn vào gạo là rất cao, bánh sẽ dễ bị tơi, không dậy vị bùi ngon.

Nhiều người thắc mắc sao bánh mình tự làm không ngon như bánh mua ngoài hàng, có thể bởi vì bạn làm nhân ít hơn người làm bánh. Với một chiếc bánh 400g gạo cần tới 250g nhân thịt đậu là vừa đủ cho một chiếc bánh ngon. Vì vậy khi gói bánh, bạn cần chú ý vấn đề này.

Nên chọn loại đỗ xanh đã được tách vỏ
Nên chọn loại đỗ xanh đã được tách vỏ

Chọn hành khô và thịt

Để gói bánh chưng ngon, không thể thiếu thịt, hành khô và hạt tiêu xay. Hành khô bạn chọn loại hành ta, bóc sạch vỏ, thái nhỏ. Thịt chọn loại thịt ba chỉ có cả nạc và mỡ, còn hạt tiêu bạn nên mua loại đã xay sẵn để rút bớt công đoạn.

Thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương nồng nàn và đặc biệt sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ rất hấp dẫn. Một điều chú ý là bạn không nên cho nước mắm để ướp thịt gói bánh chưng, bởi mắm sẽ làm bánh nhanh hỏng, không để được lâu.

Chọn lạt gói bánh

Chọn những ống giang bánh tẻ dài từ 70-90 cm, đem ngâm trong nước một vài tiếng sau đó chẻ ra từng miếng đều nhau rồi phơi tái làm dây buộc. Không nên chọn loại nứa già vì chúng giòn và dễ đứt. Chọn lạt giang bánh tẻ giúp buộc bánh chưng mềm mà chắc, đó cũng bí quyết gói bánh chưng ngon mà bạn cần nắm được.

Lạt gói bánh chưng
Lạt gói bánh chưng

Cách gói bánh

Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu là bắt đầu chuyển sang khâu gói bánh. Lời khuyên là bạn nên gói bằng tay thay vì gói bằng khuôn bởi vì khi gói bằng khuôn, lá sẽ bị cắt triệt để, lớp lá dọc ngoài mỏng, 4 góc bánh bị cắt lá ghép vào nhau nên bánh dễ bị bục khi chèn ép. Những góc này cũng là nơi dễ bị mốc nhất.

Gói bánh chưng phải gói bằng mặt trái của lá chứ không nên gói mặt trong. Lúc gói bánh cần gói và buộc lạt chặt tay, sao cho khi bạn vỗ bánh xuống đất thì bánh càng vuông vức hơn.

Cách gói bánh chưng
Cách gói bánh chưng

Luộc bánh chưng

Luộc bánh chưng là khâu quan trọng nhất và tốn rất nhiều thời gian, công sức. Bạn có thể sử dụng những chiếc nồi tự chế hoặc nồi luộc bánh chưng bằng điện để luộc bánh. Đương nhiên, nồi nấu bánh chưng bằng điện sẽ giúp bạn nấu nhanh chóng, tiện lợi hơn vì nồi nấu hoàn toàn tự động, bạn chỉ cần xếp bánh vào nồi, cài đặt các thông số về thời gian, nhiệt độ và ngồi chờ bánh chín.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích luộc theo cách truyền thống trên bếp củi vì cách nấu này tạo không khí Tết sum họp, đầm ấm và thơm hương vị truyền thống hơn.

Sử dụng loại nồi nào để luộc bánh thì bạn cũng đều cần chú ý chèn chặt bánh để khỏi bị vỡ ra khi đun bánh nở ra. Các lá bánh còn thừa cho cả vào nồi cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun. Trước khi xếp bánh vào nồi, bạn cần xếp dưới đáy nồi một ít lạt hoặc các sống lá dong để đảm bảo bánh chưng không bị cháy đáy nồi, đồng thời giúp nước luộc xanh hơn và vì vậy bánh chưng sẽ xanh hơn nữa.

Luộc bánh chưng bằng bếp điện sẽ nhanh chín hơn
Luộc bánh chưng bằng bếp điện sẽ nhanh chín hơn

Một điều nữa cần chú ý đó là phải luôn giữ lửa cho nồi luôn sôi, không được để nồi thiếu nước, phải canh chừng thường xuyên để tiếp nước khi gần cạn. Bạn chỉ được tiếp nước nóng vào nồi, không tiếp nước lạnh vì nước lạnh sẽ làm bánh chưng nửa sống, nửa chín, bị lại gạo sau này.

Thời gian luộc bánh cần từ 8-12 tiếng, đảm bảo bánh chín mềm dẻo, không bị lại gạo, không bị sượng. Sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra rồi đè lớp bánh nọ lên lớp bánh kia. Lấy vật nặng vừa phải đè lên để bánh ráo nước.

Công việc gói và nấu bánh chưng tuy tốn nhiều thời gian, công sức nhưng bù lại sẽ tạo một không khí đón Tết đầm ấm, vui vẻ, là dịp để cả gia đình quây quần gắn bó yêu thương nhau hơn.

Bài viết liên quan

Bán phở 1 buổi trong ngày chọn bộ nồi nấu phở nào phù hợp?

Nồi nấu phở bằng điện là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong mọi hàng quán kinh doanh bún … Đọc thêm » “Bán phở 1 buổi trong ngày chọn bộ nồi nấu phở nào phù hợp?”

Xem thêm

5 mẹo hay để sử dụng nồi nấu phở bằng điện bền lâu

Nồi nấu phở bằng điện là thiết bị nấu phở hiện đại, giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công … Đọc thêm » “5 mẹo hay để sử dụng nồi nấu phở bằng điện bền lâu”

Xem thêm

Điều gì khiến nồi nấu phở tủ điện NEWSUN đứng top bán chạy?

Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm nồi nấu phở điện của NEWSUN lại được nhiều nhà hàng, quán … Đọc thêm » “Điều gì khiến nồi nấu phở tủ điện NEWSUN đứng top bán chạy?”

Xem thêm